
Polyp túi mật có nguy hiểm không? Hầu hết các trường hợp có polyp túi mật đều lành tính, không có triệu chứng cụ thể hay gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Thế nào là polyp túi mật?
Polyp túi mật là sự phát triển bất thường của các mô, nhô ra khỏi niêm mạc bên trong túi mật, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm bụng định kỳ, điều trị sỏi mật hoặc cơn đau quặn mật. Hầu hết các trường hợp đều là lành tính, hiếm khi gây ra viễm nhiễm hay biến chứng đáng lo ngại. Tuy nhiên, khoảng 5% trong số đó có thể tiến triển thành ung thư.
Polyp túi mật được phát hiện ở 4 – 7% người trưởng thành. Trong đó, từ 60 – 90% là hiện tượng giả polyp – Sự lắng đọng của cholesterol bám vào thành túi mật. 5 – 10% là polyp viêm – Một loại mô sẹo do viêm mạntính. 5% còn lại sẽ tiến triển thành ung thư. Phân loại cụ thể như sau:
-
- Giả polyp (polyp cholesterol): Đây là dạng polyp lành tính, hình thành do sự lắng đọng của cholesterol bám vào niêm mạc túi mật. Polyp cholesterol chiếm từ 60 – 90% tổng số trường hợp có polyp túi mật, kích thước thường nhỏ hơn 10mm và xuất hiện với số lượng lớn.
-
- Polyp viêm: Đây là loại mô sẹo liên quan đến tình trạng viêm mạn tính của thành túi mật. Polyp viêm không phổ biến, chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số các trường hợp, kích thước nhỏ hơn 10mm và không phải là ung thư. Loại polyp này chính là phản ứng viêm tăng sinh biểu mô cục bộ, với sự xâm nhập của các tế bào viêm.
-
- U cơ tuyến túi mật (Adenomyomatosis): Đây là sự phát triển quá mức và bất thường của niêm mạc túi mật. Nghiên cứu vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác nhưng có thể kết luận đây là tình trạng lành tính. Tỷ lệ chiếm 25% các trường hợp polyp túi mật, thường khu trú ở đáy túi mật và hình thành đơn lẻ. Đối tượng nguy cơ là những người trong độ tuổi trung niên.
-
- U tuyến: Bao gồm các tế bào giống với niêm mạc của đường mật, có 0,5% nguy cơ tiến triển thành ung thư. Polyp u tuyến túi mật thường hình thành đơn lẻ, có cuống và liên quan trực tiếp đến sỏi mật hoặc viêm túi mật mạn tính. Kích thước thường gặp dao động trong khoảng từ 5 – 20mm.
-
- Polyp ung thư hoá: Đây thường là ung thư biểu mô tuyến, loại ung thư phổ biến nhất của các cơ quan nội tạng.
Polyp túi mật thường không có triệu chứng đặc hiệu. Một số trường hợp cảm thấy buồn nôn, đôi lúc đau tức vùng hạ sườn phải do tắc nghẽn khi các “mảnh cholesterol” rơi ra khỏi niêm mạc túi mật.(2)

Kích thước polyp túi mật bao nhiêu là nguy hiểm? Dấu hiệu nhận biết polyp ác tính
Polyp túi mật có nguy hiểm không? Theo nghiên cứu phân tích của Elmasry và cộng sự, trong tổng số 5.482 trường hợp phát hiện polyp túi mật, có khoảng 64 ca bệnh được kết luận là u tuyến hoặc khối u ác tính, tỷ lệ chiếm 0,6%. Nguy cơ ung thư cao khi đường kính polyp lớn hơn 1cm. Khoảng ¼ số u tuyến tiến triển thành khối u ác tính, chiếm khoảng 6 – 36%. Trong đó, các u tuyến có đường kính trên 12mm được chứng minh là chứa tế bào ung thư.
Trong các nghiên cứu khác, nguy cơ hình thành khối u ác tính ở polyp tuyến đường kính trên 1cm là 25 – 75%. Ở Nhật Bản, trong tổng số 1.600 ca cắt bỏ túi mật, có 18 u tuyến (1,1%) và 7 ca trong số đó (39%) có chứa mầm móng ung thư. Tất cả các trường hợp này đều có đường kính lớn hơn 12mm.
Các dạng polyp không phải khối u ác tính thường bao gồm: Polyp cholesterol, tăng sản của các mô viêm, u hạt, lạc chỗ… Trong đó, 95% trường hợp lành tính có đường kính dưới 10mm.
Kích thước polyp túi mật được ghi nhận là yếu tố quan trọng để xác định mức độ nguy hiểm của tình trạng bệnh lý. Đa phần các trường hợp polyp lớn hơn 1,5cm, đặc biệt xuất hiện với cấu trúc không cuống, đơn độc đều liên quan đến nguy cơ ung thư.
Polyp nhỏ hơn 1cm, không triệu chứng đi kèm cũng cần được theo dõi định kỳ 6 – 12 tháng/lần bằng siêu âm để tầm soát. Tuy nhiên, đường kính polyp không phải là tiêu chí duy nhất để loại trừ ung thư. Các yếu tố quan trọng khác cần theo dõi bao gồm:
-
- Hình dạng polyp: Hình thái polyp không cuống thường liên quan đến khối u ác tính.
-
- Số lượng polyp: Polyp tân sinh có xu hướng đơn độc và dễ tiến triển thành ung thư, trong khi polyp cholesterol thường tồn tại với số lượng lớn hơn.
-
- Sự xuất hiện của sỏi mật: Sự xuất hiện của sỏi bùn hoặc sỏi túi mật được coi là yếu tố nguy cơ hình thành polyp ác tính.
-
- Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát: Đây cũng là một trong những nguy cơ hình thành polyp túi mật ác tính. Ở người bệnh mắc viêm đường mật xơ cứng nguyên phát, bất kỳ polyp túi mật nào xuất hiện đều cần được xem xét tiến hành cắt bỏ cơ quan. Trong một số trường hợp đặc biệt không thể phẫu thuật, bác sĩ nên theo dõi thường xuyên để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.(1)

Polyp túi mật có biến chứng nguy hiểm nào không?
Biến chứng của polyp túi mật có nguy hiểm không? Hầu hết các polyp túi mật đều lành tính. Phần lớn các trường hợp đều được phát hiện tình cờ trong quá trình siêu âm bụng định kỳ hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật do viêm cấp tính/ mãn tính. Tuy nhiên, nguy cơ tiến triển thành ung thư vẫn tồn tại. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của polyp túi mật. Tình trạng bệnh cần được phát hiện, chẩn đoán sớm để tiến hành điều trị kịp thời và đúng cách, nhằm mục đích kéo dài sự sống.
Đa phần các khối u ác tính đều có nguồn gốc từ loạn sản và biểu mô phẳng, có thể hình thành ở bất kỳ đâu trên túi mật. Tổn thương xuất phát từ niêm mạc cơ quan, phát triển đơn lẻ hoặc thành từng cụm. Nhiều trường hợp còn được gọi là u nhú (adenomatosis), với đường kính dao động từ 2 – 20mm, có thể tồn tại cùng lúc với sỏi mật.
Ngoài ra, polyp túi mật cũng có thể to ra làm tắc nghẽn đường mật hoặc ống dẫn mật, gây viêm tụy cấp tính, vàng da tắc mật. Tuy nhiên, những biến chứng này đều tương đối hiếm gặp.
Có nên cắt polyp túi mật không?
Bất kỳ polyp túi mật nào xuất hiện với triệu chứng bất thường đều nên được cắt bỏ, đặc biệt khi có kích thước từ 6mm trở lên. Trong khi đó, phẫu thuật cắt bỏ túi mật chỉ nên thực hiện trong những trường hợp có dấu hiệu lâm sàng của polyp, bao gồm:
-
- Polyp có đường kính lớn hơn 10mm.
- Polyp phát triển nhanh.
- Polyp không cuống hoặc có bề mặt rộng.
- Polyp có cuống dài.
- Người bệnh trên 50 tuổi đang mắc bệnh sỏi mật.
- Siêu âm thấy bất thường ở thành túi mật.
Trong những trường hợp này, phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật được chỉ định. Polyp kích thước lớn hơn 18 mm có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư, nên được loại bỏ bằng mổ hở cắt bỏ túi mật, cắt bỏ một phần gan và có thể nạo vét hạch bạch huyết.
Polyp túi mật không được cắt bỏ cần được theo dõi định kỳ bằng siêu âm. Thời gian sàng lọc chính xác vẫn chưa có công bố rõ ràng, thường là 6 – 12 tháng/lần.
Polyp túi mật có tự hết không?
Một số loại polyp khác trong cơ thể có thể tự biến mất, ngoại trừ polyp túi mật. Theo thời gian, các mô này có nguy cơ tăng lên về kích thước và số lượng. Phương pháp loại bỏ duy nhất là thực hiện phẫu thuật cắt bỏ.

Polyp túi mật có thể phát triển thành ung thư không?
Hầu hết polyp túi mật đều là tổn thương lành tính, hiếm khi gây ra triệu chứng và tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, trường hợp ngược lại vẫn có nguy cơ xảy ra, thường gặp ở những nhóm đối tượng sau:
-
- Người bệnh trên 50 tuổi.
- Có sỏi trong túi mật, kích thước polyp lớn, hình thành đơn độc, đi kèm triệu chứng bất thường.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin giải đáp thắc mắc polyp túi mật có nguy hiểm không cùng một số lưu ý về quá trình điều trị. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện bệnh từ sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.